top of page

SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

 

Năm 2019,  bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) được Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) xếp hạng là một trong mười mối nguy với y tế toàn cầu. Bệnh SXHD do bốn chủng vi rút có liên quan, thuộc gia đình Flaviviridae (DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4) gây ra. Chủng vi rút này nhiễm vào cơ thể một loài muỗi được gọi là Aedes, hay còn gọi là muỗi vằn vì có những sọc trắng trên cơ thể và chân của chúng. Loài muỗi Aedes này thích sống ở điều kiện nóng ẩm, đặc biệt là môi trường đô thị đông đúc với tình trạng vệ sinh môi trường yếu kém. Chúng sinh trưởng ở khu vực ao tù nước đọng, thùng chứa hay vật chứa nước mà không đậy nắp hay những bánh xe cũ. Chính vì thế, bệnh SXHD thường xảy ra tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi có độ ẩm, lượng mưa và nhiệt độ phù hợp và cùng với đó là quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát.

Ước tính có khoảng 4 tỉ người (50% dân số thế giới) ở hơn 120 quốc gia sống trong khu vực có nguy cơ cao mắc bệnh SXHD. Tuy vậy, 70% gánh nặng của bệnh xảy ra ở khu vực Châu Á. Tổng số lượng ca nhiễm SXHD được báo cáo đến TCYTTG trong năm 2019 tăng lên thành 4,2 triệu ca, nhưng nhiều khả năng là còn rất nhiều ca chưa được chẩn đoán và báo cáo.

Sau khi bị muỗi Aedes mang vi rút đốt, nhiều người không có biểu hiện triệu chứng gì. Khoảng 25% người nhiễm bệnh có biểu hiện triệu chứng, bao gồm chỉ sốt vài ngày ở một số người cho đến một đợt bệnh sốt cấp tính gây khó chịu nhiều ở người khác.

Tuy nhiên, bệnh SXHD đôi khi có thể dẫn đến bệnh cảnh nặng và nguy hiểm đến tính mạng. Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, ngay cả những người bệnh nặng vẫn có thể phục hồi nếu như họ được điều trị hỗ trợ kịp thời. Tuy vậy, việc điều trị thường rất tốn kém. Thêm vào đó, mặc dù các biến chứng nghiêm trọng chỉ xảy ra ở một tỷ lệ nhỏ trong tất cả các ca nhiễm, số lượng ca bệnh nặng trên thực tế vẫn cao ở những khu vực ghi nhận hàng triệu ca nhiễm bệnh hàng năm. Chính vì thế, gánh nặng về y tế công cộng và kinh tế là rất nghiêm trọng tại những khu vực lây nhiễm cao.

Cách cơ thế phản ứng với vết đốt của muỗi nhiễm bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm số lượng vi rút từ muỗi tiêm vào người nhiễm và khả năng hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại vi rút sau khi chúng xâm nhập cơ thể. Với nhiều loại vi trùng và vi rút, hệ miễn dịch của một người sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi tái nhiễm với cùng loại tác nhân gây bệnh, vì thế người đó thường sẽ bệnh nhẹ hơn khi tái nhiễm bệnh lần hai hay lần ba.  

Nhưng bệnh SXHD thì lại khác biệt: trong lần nhiễm đầu tiên với một trong bốn chủng vi rút, người bệnh thường không có triệu chứng hoặc chỉ biểu hiện bệnh nhẹ, nhưng khi bị nhiễm lần tiếp theo sau đó với một trong bốn chủng thì người đó sẽ có nguy cơ cao hơn để diễn tiến đến bệnh nặng. Phản ứng phức tạp này giữa bốn loại vi rút và hệ thống miễn dịch của con người khiến cho việc phát triển một loại vắc-xin hiệu quả và an toàn trở nên vô cùng khó khăn. Hiện tại đã có một loại vắc-xin được cấp phép, nhưng nó chỉ thực sự an toàn với những người đã từng mắc SXHD ít nhất một lần trong đời.

 

Chính vì hiện tại chúng ta chưa có một loại vắc-xin hiệu quả nào có thể lưu hành rộng rãi, việc kiểm soát muỗi vẫn là một phương pháp vô cùng quan trọng trong nỗ lực phòng ngừa bệnh SXHD trên toàn cầu. Ngoài biện pháp kiểm soát môi trường và sử dụng thuốc diệt muỗi, một chiến lược khá mới mẻ liên quan đến việc gây nhiễm muỗi với một loài vi khuẩn vô hại (được gọi là Wolbachia) nhằm tác động đến khả năng sống sót của vi rút Dengue trên muỗi bước đầu cho thấy có nhiều hứa hẹn. Muỗi mang các chủng Wolbachia khác nhau đã được thả thử nghiệm tại Úc, một số quốc gia Châu Á và Nam Mỹ và kết quả từ các thử nghiệm này cho thấy số lượng ca nhiễm SXHD đã giảm tại các khu vực mà muỗi thường xuất hiện trong thiên nhiên.

bottom of page